Hà Nội đình chỉ hoạt động phòng khám bệnh nhân COVID-19 người Nhật đã đến khám

Sở Y tế TP Hà Nội đã quyết định đình chỉ Phòng khám đa khoa Raffles Medical (nơi BN2229 là chuyên gia Nhật đến thăm khám) do chưa thực hiện đúng các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.

Tại quyết định số 2137/QĐ-SYT, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phòng khám Raffles Medical do chưa thực hiện đúng hướng dẫn Bộ Y tế về việc sàng lọc và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Phòng khám Raffles Medical trực thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Sức khỏe trọn đời tại TP Hà Nội (địa chỉ tại 51 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu phòng khám này chỉ được tiếp tục hoạt động khi khắc phục được các tồn tại và đảm bảo về công tác an toàn phòng chống dịch, có báo cáo bằng văn bản và được kiểm tra, giám sát, cho phép tiếp tục hoạt động của Sở Y tế.

chuyen-gia-nhat-ban-tu-vong-tai-khach-san-o-ha-noi-mac-covid-19

Một khu vực bị cách ly chống dịch do có liên quan đến BN2229

Trước đó vào sáng ngày 15/2 (sáng mùng 4 Tết), Bộ Y tế công bố ca bệnh có mã số 2229. Bệnh nhân là nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tử vong tại khách sạn Somerset West Point, số 2 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

BN2229 là chuyên gia công ty Mitsui, chi nhánh tại 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân này từ Nhật sang Việt Nam ngày 17/1, đã cách ly đủ 14 ngày tại một khách sạn ở TP. HCM và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, kết thúc cách ly vào ngày 31/1. Ngày 1/2, BN 2229 bay ra Hà Nội.

Trong khoảng thời gian từ ngày 1/2-13/2, bệnh nhân đi lại, làm việc giữa khách sạn Somerset Westpoint và công ty, tham gia nhiều buổi tiệc.

Ngày 3/2, bệnh nhân có xuất hiện tình trạng không được khỏe, đi khám tại phòng khám Raffles Medical, được chẩn đoán nhiễm độc tiêu hóa, mua một số thuốc không rõ loại.

Ngày 8/2, bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ (38độ), tái khám tại phòng khám Raffles Medical, tại đây được làm test nhanh cúm A, B cho kết quả âm tính.

Khoảng 19h ngày 13/2 cán bộ an ninh, buồng phòng toà nhà đến kiểm tra phòng bệnh nhân, sau khi bấm chuông và gõ cửa nhưng không thấy khách trả lời, 3 nhân viên khách sạn tiến hành mở cửa phòng và phát hiện khách thuê phòng mặt tím tái, bất tỉnh. Ngay lập tức, phía khách sạn đã báo Cấp cứu 115 và cơ quan công an. Sau thăm khám, cán bộ y tế chẩn đoán bệnh nhân đã tử vong.

Liên quan đến trường hợp này, Hà Nội đã phát hiện thêm 2 ca dương tính. Đến trưa ngày 16/2, Sở Y tế TP Hà Nội cho biết 517 mẫu là các trường hợp F1, F2 liên quan tới 3 bệnh nhân của Công ty Mitsui đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Về trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 người Nhật Bản đã đột tử tại khách sạn ở Tây Hồ, Hà Nội, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID chiều ngày mùng 4 Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong sáng 15/2 cho thấy, nồng độ virus của bệnh nhân này ở mức độ khá cao nên đưa ra hai giả thiết.

Giả thiết thứ nhất là mới lây nhiễm và có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải là F0. Bên cạnh trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện thêm hai trường hợp nữa cùng công ty với ca người Nhật Bản cũng cho kết quả xét nghiệm có nồng độ virus cao. Do đó nhiều khả năng mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước đó. Bộ đang cho giải trình tự gene và sẽ cho kết quả sau 48 giờ, khi đó mới xác định được chủng virus của bệnh nhân này.

Giả thiết thứ hai là ca bệnh này lây nhiễm từ khu cách ly (khi nhập cảnh vào Việt Nam). Dù có khả năng nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, giả thiết này có mức độ xảy ra thấp, vì 34 người khác cùng đi với bệnh nhân người Nhật và cùng cách ly tại khách sạn đó đều có kết quả âm tính.

 

Thái Bình