Bộ Y tế tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5

Ngày 12/5/2020 tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5. Tham dự buổi Lễ, có PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; ThS. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam…

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là để tôn vinh những đóng góp rất quan trọng của người Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y, đồng thời thể hiện chiến lược, định hướng của Ngành Y tế Việt Nam trong việc từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và Quốc tế. Năm 2020 Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chỉ định là Năm quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người Điều dưỡng, Hộ sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng đã có những đóng góp rất quan trọng, quả trên các lĩnh vực: Xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Đặc biệt trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, Điều dưỡng, Hộ sinh đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và quốc tế, trong thời gian tới, Ngành Điều dưỡng Việt Nam phải đổi mới căn bản về chính sách, lãnh đạo điều hành, nguồn nhân lực và về chất lượng chăm sóc theo tinh thần của Chiến dịch “Nursing Now” mà Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã phát động. Tháng 5 hằng năm cũng là tháng hành động về vệ sinh tay toàn cầu vì vậy mỗi điều dưỡng, Hộ sinh chúng ta cũng nêu cao chủ trương chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh SARS-CoV-2 còn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường trên toàn cầu.

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục phát biểu tại buổi Lễ

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết thêm: Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng, hộ sinh; tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh vẫn còn thấp, khoảng 11 điều dưỡng/1 vạn dân, nếu so với Thái Lan, số lượng điều dưỡng của nước ta phải tăng gấp 2 lần nữa, nếu so với Malayxia thì phải thêm gấp 3 lần số điều dưỡng, hộ sinh hiện nay. Với số lượng điều dưỡng viên ít như vậy, Việt Nam chưa thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng nghĩa với người bệnh vào viện phải đưa thêm người nhà hoặc thuê người chăm sóc trong các bệnh viện… Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị cần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, cần có sự tham gia của điều dưỡng, hộ sinh vào vị trí quản lý và hoạch định chính sách y tế, sớm khắc phục tình trạng điều dưỡng hệ trung cấp hành nghề trên năng lực, phấn đấu đến 2025, điều dưỡng viên đạt trình độ cao đẳng theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, 50% điều dưỡng ở nước ta mới có thời gian đào tạo nghề 2 năm, chưa đạt chuẩn ASEAN mà Việt Nam đã tham gia ký kết…

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại buổi Lễ

Tại buổi Lễ, ông Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ khuyến nghị: Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục và trao quyền cho điều dưỡng viên, hộ sinh. Tổ chức này cũng cam kết luôn song hành cùng Việt Nam để hỗ trợ đào tạo nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam. Chị Doãn Thị Nguyệt, Điều dưỡng trưởng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – người tham gia trực tiếp cùng các bác sĩ tuyến đầu từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, đến ngày 30/4 vừa qua mới được về thăm gia đình chia sẻ, chúng tôi cùng các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của bệnh viện đã tạm gác lại cuộc sống thường nhật, xa gia đinh, người thân yêu để làm nhiệm vụ “chống giặc COVID-19” ở nơi tuyến đầu. Các y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên thường trực 24/24 tại bệnh viện, tận tụy với công việc chăm sóc phục vụ người bệnh và phòng, chống dịch. Có những cặp vợ chồng là điều dưỡng bệnh viện nhưng vẫn không được gặp nhau, không được gặp con… Sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, nhân viên toàn Bệnh viện đã giúp Bệnh Nhiệt đới Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tới thời điểm này, Bệnh viện đã điều trị khỏi 139 ca mắc COVID-19, gần 2000 ca nghi nhiễm đều đã được ra viện.

“Hội đồng Điều dưỡng Thế giới quyết định lấy 12 tháng 5 hằng năm, ngày sinh của bà Florence Nightingale là Ngày Quốc tế Điều dưỡng. Bà Florence Nightingale (1820 – 1910) đã được thế giới tôn kính và suy tôn là người sáng lập ra Ngành Điều dưỡng hiện đại bởi những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại.

Việc Hội đồng Điều dưỡng Thế giới lựa chọn ngày sinh của Florence Nightingale nhằm tôn vinh những đóng góp của Bà cho Ngành Điều dưỡng hiện đại và cũng nhằm tôn vinh vai trò của người điều dưỡng, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh trong lĩnh vực y học hiện đại.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của Bà Florence Nightingale, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất và phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chỉ định là Năm quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế. Đây là những người dành cả cuộc đời để chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người già, những người cần chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe không chỉ tại các bệnh viện mà họ cũng là những người thực hiện những hoạt động chăm sóc đầu tiên tại cộng đồng. Đây là một chương trình tiếp nối một chiến dịch lớn “Nursing Now” một chiến dịch toàn cầu trong ba năm (2018-2020), nhằm mục đích cải thiện sức khỏe bằng cách nâng cao vị thế của điều dưỡng trên toàn thế giới và tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi:

– Điều dưỡng, hộ sinh tham gia sâu vào viêc hoạch định các chính sách y tế;

– Nâng cao chất lượng lượng nguồn nhân lực điều dưỡng;

– Tăng cường vai trò lãnh đạo của điều dưỡng

– Xác định những lĩnh vực mà các điều dưỡng có thể có tác động lớn nhất;

– Và chia sẻ các thực hành chăm sóc tốt nhất.”